Tin tức
Local

Chia sẽ nghiên cứu của IOM - WHO về tính dễ bị tổn thương với sốt rét ở Việt Nam

Chia sẽ nghiên cứu của IOM - WHO về tính dễ bị tổn thương với sốt rét ở Việt Nam

Hà Nội, 09/08/2016

Ngày 9 tháng 8 năm 2016, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), công bố kết quả nghiên cứu khoa học về mối liên hệ giữa di cư, di biến động và tính dễ bị tổn thương với bệnh sốt rét tại tỉnh Bình Phước.

Nghiên cứu đưa ra những phân tích sâu về tính dễ bị tổn thương với sốt rét của các nhóm dân di cư, di biến động ở những xã có tỉ lệ sốt rét lưu hành cao nhất và đồng thời cũng có sự di biến động cao, bao gồm cả di cư trong nước.

Các cộng đồng được xác định là dễ bị tổn thương nhất đối với bệnh sốt rét nằm ở những vùng hẻo lánh dọc theo biên giới của Việt Nam với Campuchia, thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước là một tỉnh có nhiều khó khăn về kinh tế.

Khu vực này thu hút số lượng lớn người di cư, bao gồm cả những người di chuyển từ các tỉnh miền Bắc đến sinh sống và làm việc tại đây.

Nghiên cứu chỉ ra rằng người di cư có nguy cơ mắc sốt rét cao hơn người không di cư, vì họ bị phơi nhiễm và có nguy cơ muỗi đốt nhiều hơn. Nhiều người di cư sống trong nhà tạm tại các khu vực rừng và làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao như thu hoạch sắn và điều.

Hơn 50% người di cư sống cách xa trung tâm y tế gần nhất hơn 10 km và tỉ lệ người di cư có hiểu biết về các triệu chứng của bệnh sốt rét chỉ bằng một phần ba so với người không di cư.

Trong số dân di cư và không di cư, đàn ông có nguy cơ mắc bệnh sốt rét cao hơn phụ nữ. Tuy nhiên khi bị mắc sốt rét thì phụ nữ có tỉ lệ hoàn thành phác đồ điều trị theo chỉ định thấp hơn.

Dân di cư thuộc nhóm dân tộc thiểu số chờ lâu hơn trước khi đi khám và điều trị (17% đợi bốn ngày hoặc hơn, so với chỉ 2% trong người Kinh), điều này làm gia tăng nguy cơ đối với họ.

Được tài trợ bởi Quỹ phát triển IOM (IDF), nghiên cứu nhấn mạnh rằng tiếp cận với các dịch vụ phòng chống sốt rét là một vấn đề quan trọng đối với dân nhập cư Bình Phước.

Trong khi 90% dân thường trú tại địa phương có màn chống muỗi được cung cấp thông qua Chương trình Quốc gia Phòng chống Sốt rét, chỉ có 54% dân không có đăng kí cư trú được cấp loại màn này.

Sốt rét đứng thứ năm trong số các bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến 95 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mặc dù 12,6% dân số Việt Nam sống ở các khu vực có nguy cơ cao, trong những thập kỷ gần đây nhiều tiến bộ đáng kể đã được ghi nhận trong công tác phòng chống sốt rét.

"Nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động khẩn cấp. Đối với các cộng đồng nghèo ở tỉnh Bình Phước, cơ hội để kiểm soát và loại trừ bệnh sốt rét sẽ có thể vuột mất nếu không kịp thời triển khai các chiến lược cụ thể nhằm giảm thiểu tính dễ tổn thương với sốt rét trong các nhóm dân di cư, di biến động", ông David Knight, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam, nhận định.

Bên cạnh đó, tiến bộ trong việc giảm tỉ lệ mắc và tử vong do sốt rét trong năm 2013 và 2014 có khuynh hướng chững lại hoặc chậm lại là một khuynh hướng đáng lo ngại, cùng với xu hướng gia tăng kháng thuốc artemisinin, một loại thuốc quan trọng trong điều trị sốt rét.

Báo cáo được ra mắt cùng với thời điểm diễn ra một hội thảo do Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương phối hợp với IOM và WHO tổ chức hôm nay (9/8) tại Hà Nội.

Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu gần đây trong phòng chống sốt rét cho dân di biến động” là cơ hội để các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận về những tiến bộ trong nghiên cứu và các chương trình phòng chống sốt rét tại Việt Nam và trong khu vực, trong đó tập trung vào đáp ứng các nhu cầu cụ thể của dân di cư và di biến động.

Để tải báo cáo này, xin theo các đường dẫn dưới đây:

Để biết thêm thông tin, xin vui lòng liên hệ với IOM Việt Nam: David Knight, ĐT: +844 3850 1810, Email: dknight@iom.int. Hoặc Trần Thị Ngọc Thư, ĐT: + 84 918 733 578 Email: tnthutran@iom.int