Sự kiện
15 Th11 2023

CUỘC THI SÁNG KIẾN TRUYỀN THÔNG CỦA THANH NIÊN THÚC ĐẨY DI CƯ AN TOÀN VÀ PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

TỔNG QUAN:

Cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” do Tổ chức di cư Quốc tế (IOM) tại Việt Nam (Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc) và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) Việt Nam phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của thanh niên về mua bán người và các vấn đề mới nhất liên quan tới di cư, đặc biệt là di cư quốc tế; và khuyến khích sự tham gia tích cực hơn của thanh niên vào các hoạt động tuyên truyền và truyền thông thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người.

Cuộc thi có sự đồng hành của Chiến dịch truyền thông Nghĩ trước Bước sau do IOM Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam thực hiện, với tài trợ kinh phí từ Chính phủ Vương quốc Anh.

ĐỐI TƯỢNG:

Dự kiến 32 – 40 thí sinh là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 16 – 30 tuổi, quan tâm các vấn đề liên quan đến di cư và mua bán người. Ưu tiên, nhưng không giới hạn, thí sinh đến từ các địa bàn sau:

  • Tỉnh Nghệ An (xã Bảo Thành, huyện Yên Thành và xã Đại Sơn, huyện Đô Lương)
  • Tỉnh Hà Tĩnh (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà và thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc)
  • Tỉnh Quảng Bình (xã Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới và xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch)
  • Thành phố Hải Phòng (xã Ngũ Lão và xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên)

Thí sinh đăng ký tham dự theo đội từ 2 – 4 thành viên.

QUYỀN LỢI VÀ GIẢI THƯỞNG

Thí sinh tham gia Cuộc thi “Sáng kiến truyền thông của thanh niên thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người” được hưởng những quyền lợi sau:

  • Được tham dự 01 tập huấn về: (i) kiến thức về di cư an toàn và phòng chống mua bán người và (ii) kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện chiến dịch truyền thông (trực tiếp và online, tập trung vào sử dụng mạng xã hội).
  • Được tài trợ toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở và thù lao tham gia chương trình
  • Được nhận chứng chỉ tham gia chương trình của IOM Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam
  • Đặc biệt, 4+ sáng kiến xuất sắc nhất sẽ được tài trợ từ 25 - 50 triệu Việt Nam Đồng và hỗ trợ về mặt chuyên môn để hiện thực hóa ý tưởng của mình tại các địa bàn ưu tiên nói trên hoặc phạm vi rộng hơn. 

LỊCH TRÌNH:

  • 03/12/2023: Hạn cuối đăng ký tham dự qua biểu mẫu sau
  • Cuối tháng 12/2023 – đầu tháng 01/2024 (2.5 ngày): Tập huấn về: (i) kiến thức về di cư an toàn và phòng chống mua bán người và (ii) kỹ năng lập kế hoạch và thực hiện chiến dịch truyền thông (trực tiếp và online, tập trung vào sử dụng mạng xã hội). Địa điểm dự kiến: Hà Nội hoặc tỉnh lân cận. Thời gian sẽ được sắp xếp phù hợp với lịch trình của Ban tổ chức và thí sinh tham dự.
  • 31/01/2024: Thí sinh lên ý tưởng sáng kiến truyền thông thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người và nộp lại cho ban tổ chức trước hạn chót ngày 31/01/2024. 
  • 26/02/2024 (dự kiến): Ban tổ chức công bố các sáng kiến truyền thông được nhận tài trợ 
  • 02 - 03/2024: Các sáng kiến được nhận tài trợ thực hiện triển khai và gửi lại báo cáo truyền thông cho ban tổ chức trước hạn chót ngày 25/03/2024.

Lưu ý: Ban tổ chức sẽ chuyển kinh phí tài trợ cho 01 đại diện của đội thi theo hình thức 80% - 20% (80% sau khi công bố sáng kiến được giải và 20% sau khi nhận được báo cáo truyền thông)

ĐỀ BÀI VÒNG TUYỂN CHỌN THÍ SINH:

Quay một clip dài tối đa 4 phút trình bày quan điểm của đội bạn theo đề bài sau:

Theo bạn, đi lao động ở nước ngoài có những lợi ích và rủi ro gì? Nếu được lựa chọn một thông điệp để khuyến khích giới trẻ di cư an toàn, thông điệp của bạn sẽ là gì?

Yêu cầu về video:

  1. Âm thanh của người nói rõ ràng, không có/hạn chế tối đa tiếng ồn
  2. Hình ảnh thấy rõ mặt, người từ phần bụng trở lên và cánh tay

Bạn có thể tải clip lên các nền tảng như Google Drive hoặc YouTube và chia sẻ đường link qua biểu mẫu sau (lưu ý mở quyền truy cập "cho bất kỳ ai có đường dẫn")

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁNG KIẾN:

  1. Nội dung: Sáng kiến truyền tải thông điệp thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người tới cộng đồng, theo các hình thức sau, nhưng không giới hạn bởi:
  • Sản phẩm truyền thông (ví dụ áp phích, tờ rơi, truyện tranh, phim ngắn, video, phát thanh, podcast, cuộc thi online,...) có thể đăng tải được trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội
  • Hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học có thể được quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội
  1. Tính thực tiễn: Sáng kiến truyền tải thông điệp rõ ràng, mang tính thực tiễn cao, rõ ràng về nhóm mục tiêu và có các mục tiêu truyền thông cụ thể.
  2. Tính sáng tạo: Khuyến khích những ý tưởng đổi mới trên nền tảng công nghệ, mạng xã hội, sử dụng các phương pháp tiếp cận cộng đồng sáng tạo và có tính bền vững.
  3. Tính cập nhật và ảnh hưởng: Sáng kiến cập nhật các thông tin, xu hướng di cư phù hợp với bối cảnh của địa phương. Sáng kiến phản ánh/phần nào góp phần vào việc phản hồi với những xu hướng đó một cách chủ động và hiệu quả, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến mua bán người và khuyến khích cộng đồng lựa chọn di cư an toàn.

Mọi thắc mắc về cuộc thi vui lòng liên hệ: Bà Nguyễn Thị Minh Phượng - Trợ lý Truyền thông Dự án, IOM Việt Nam (thiminnguyen@iom.int)

ĐĂNG KÝ