Nâng cao năng lực y tế trong việc mở cửa trở lại thông hành quốc tế an toàn tại Việt Nam 

Thời gian thực hiệnTháng 3 năm 2022 – Tháng 2 năm 2023

Địa điểmHà Giang, Hà Nội, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Tây Ninh.

Nguồn tài trợ: Chính phủ Nhật Bản.

Đối tác thực hiênCục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh/ thành phố, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) và các cán bộ tuyến đầu làm việc tại các cửa khẩu tại Việt Nam.

Mục tiêuMục tiêu chung của dự án là góp phần nâng cao năng lực y tế tại các cửa khẩu nhằm thúc đẩy việc mở cửa trở lại thông hành quốc tế tại Việt Nam một cách an toàn.

Mô tả chung:

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã đóng cửa biên giới và tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài, ngoại trừ một số đối tượng thuộc trường hợp đặc biệt như nhà đầu tư, chuyên gia và nhà ngoại giao nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus. Vào tháng 2 năm 2022, Chính phủ Việt Nam thông báo mở lại các chuyến bay quốc tế từ ngày 15 tháng 3 năm 2022 để nối lại thông hành và thương mại quốc tế.

Trong bối cảnh mở lại các chuyến bay quốc tế, các cán bộ tuyến đầu làm việc tại các cửa khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa sự lây lan của COVID-19, thông qua việc thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ lây nhiễm. Với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và các vật tư thiết yếu khác sẽ được cung cấp cho các cán bộ tuyến đầu tại các cửa khẩu và các cán bộ/nhân viên y tế tại các cơ sở được chỉ định để tiếp nhận du khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam một cách an toàn, đồng thời ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 một cách hiệu quả.

Các hoạt động dự án và tác động tích cực::

Các hoạt động chính của dự án bao gồm: mua sắm và phân bổ các trang thiết bị bảo hộ cá nhân và các thiết bị thiết yếu khác cho cán bộ tuyến đầu làm việc tại cửa khẩu và du khách; xây dựng và sửa đổi quy trình tại các địa phương trong việc thực hiện Hướng dẫn quốc gia về các biện pháp y tế công cộng trong việc mở cửa trở lại thông hành quốc tế một cách an toàn tại các cửa khẩu và thúc đẩy các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân tại các tỉnh biên giới vùng sâu vùng xa về lợi ích và rủi ro có thể có của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cũng như chiến dịch quốc gia về tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Dự án góp phần đảm bảo sức khỏe người di cư và cộng đồng tại địa phương theo Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) số 3.8D: Tăng cường năng lực của tất cả các quốc gia về cảnh báo sớm, giảm thiểu rủi ro và quản lý các rủi ro y tế quốc gia và toàn cầu. Dự án này cũng đóng góp cho việc thực hiện Mục tiêu 10.7: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư có trật tự, an toàn, hợp pháp và sự di chuyển của người dân bao gồm thông qua việc thực hiện các chính sách di cư được hoạch định và được quản lý tốt. Dự án cũng được kết nối với các sáng kiến y tế toàn cầu và trong khu vực như Sáng kiến An ninh y tế Tiểu vùng sông Mê-kông Mở rộng và Điều lệ Y tế quốc tế (IHR).