-
Chúng tôi là ai
Chúng tôi là aiTổ chức Di cư Quốc tế (IOM) là Cơ quan Di cư của Liên hợp quốc, tổ chức hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn và có trật tự vì lợi ích của tất cả mọi người. IOM bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1987.
Giới thiệu
Giới thiệu
IOM Toàn cầu
IOM Toàn cầu
-
Công việc của chúng tôi
Công việc của chúng tôiLà tổ chức liên chính phủ hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn và có trật tự, IOM đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 thông qua các lĩnh vực can thiệp khác nhau, kết nối hỗ trợ nhân đạo và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, IOM hỗ trợ người di cư thông qua các hoạt động tái hoà nhập, hỗ trợ và bảo vệ đa dạng.
Chúng tôi làm gì
Chúng tôi làm gì
Những vấn đề xuyên suốt (Toàn cầu)
Những vấn đề xuyên suốt (Toàn cầu)
- Dữ liệu và Tài nguyên
- Hành động
- 2030 Agenda
Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp 2 triệu đô la Mỹ cho IOM và UNICEF tại Việt Nam để khắc phục hậu quả bão Yagi
Nguồn hỗ trợ quan trọng này sẽ góp phần giúp các hộ gia đình và trẻ em bị ảnh hưởng và phải di dời do tác động của cơn bão Yagi khắc phục khó khăn, tập trung vào ổn định nơi ở, đảm bảo nước sạch và vệ sinh và bảo vệ trẻ em.
HÀ NỘI, 11 tháng 10 năm 2024 – Sau siêu bão Yagi và ngập lụt, sạt lở đất sau bão xảy ra tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam vào ngày 7 tháng 9, Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản hỗ trợ 2 triệu USD cho IOM và UNICEF để triển khai các nỗ lực cứu trợ quan trọng và khắc phục sớm tại Việt Nam.
Dự án bao gồm 1 triệu đô la Mỹ để thực hiện các dịch vụ thiết yếu về nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (WASH) và bảo vệ trẻ em do UNICEF Việt Nam cung cấp cho 21.251 cá nhân và 1 triệu đô la Mỹ để IOM Việt Nam hỗ trợ nơi ở tạm thời và cung cấp các đồ dùng thiết yếu cho 16.800 cá nhân tại các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất từ cơn bão.
“Việt Nam có câu tục ngữ “Lá Lành đùm lá rách”. Chính phủ Nhật Bản muốn đảm bảo rằng khoản hỗ trợ này góp phần trợ giúp cho quá trình phục hồi, tái thiết của một số cộng đồng dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam ở các vùng nông thôn chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão”, Ngài Ito Naoki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ. “ Tôi hy vọng rằng cách tiếp cận toàn diện này với những đối tác đáng tin cậy sẽ đặt ra một lộ trình vững chắc cho quá trình phục hồi và tái thiết. Giờ đây, điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải hành động nhanh chóng để đạt được tầm nhìn chung về một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và kiên cường”, Đại sứ Ito nhấn mạnh.
Khoản hỗ trợ này sẽ giúp giải quyết nhu cầu cấp thiết của trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng bởi cơn bão có sức tàn phá lớn nhất đổ bộ vào Việt Nam trong 70 năm qua[1]. Với sức ảnh hưởng trên diện rộng ở khắp các tỉnh phía Bắc, cơn bão đã gây ra thiệt hại lớn, làm hơn 300 người chết, hơn 100.000 ngôi nhà, trường học và cơ sở chăm sóc y tế bị phá hủy hay hư hại, 237.000 gia đình đã phải sơ tán và di dời, ước tính khoảng 570.000 người không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh an toàn, bên cạnh đó, rủi ro trong bảo vệ trẻ em càng khó khăn hơn.
Khoản hỗ trợ này cũng sẽ đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho sự phối hợp đa ngành rộng rãi hơn, tăng cường các nỗ lực xuyên suốt trong việc đảm bảo nơi ở, chăm sóc y tế, giáo dục và dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu toàn diện của trẻ em và gia đình. Là một phần của kế hoạch hợp tác chung của Liên hợp quốc (LHQ) với Chính phủ Việt Nam, IOM và UNICEF tập trung vào việc hỗ trợ các hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất trong đó có trẻ em, bao gồm cả những người phải sơ tán và di dời.
Mặc dù các nỗ lực hỗ trợ khẩn cấp đang được tích cực triển khai, các hoạt động trợ giúp tiếp theo là cần thiết để đảm bảo những người dân bị ảnh hưởng có được nơi ở an toàn và có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Các khoản hỗ trợ từ phía Nhật Bản sẽ cho phép IOM và UNICEF mở rộng phạm vi tiếp cận và đẩy nhanh các nỗ lực tái thiết và phục hồi.
Những đóng góp của Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề về giới thông qua các hoạt động hỗ trợ sửa chữa các cơ sở vệ sinh, cải thiện ánh sáng tại các trung tâm sơ tán và thúc đẩy sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái bằng các biện pháp can thiệp có mục tiêu.
“Sự hỗ trợ này từ Chính phủ Nhật Bản đến vào thời điểm then chốt khi trẻ em và những gia đình ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn bão đang phải đối mặt với những khó khăn không thể tưởng tượng nổi”, Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết. “Sự hỗ trợ này chắc chắn sẽ giúp các cộng đồng khôi phục khả năng tiếp cận WASH và các dịch vụ thiết yếu trong bảo vệ trẻ em đã bị cơn bão làm suy yếu, hư hại hoặc phá hủy”.
Bà Mitsue Pembroke, quyền Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản: “Thông qua khuôn khổ Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam cùng với chính quyền và các bên liên quan ở cấp tỉnh và địa phương, IOM sẽ đảm bảo các nỗ lực phối hợp để hỗ trợ những người dân dễ bị tổn thương nhất bị thiệt hại nặng hoặc đang phải di dời khỏi nơi ở cũ, đặc biệt là những người gặp khó khăn về kinh tế, phụ nữ, trẻ em gái và người khuyết tật.”
Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ hợp tác đối tác lâu bền. Tính đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp viện trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp nhằm khắc phục thiệt hại do bão gây ra, bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng, cho 2.000 hộ gia đình thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), các lô hàng cứu trợ khẩn cấp thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) và UNICEF. Ngoài ra, trong công tác phòng chống thiên tai, Nhật Bản cũng là quốc gia thường xuyên chịu tác động của thiên tai và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục phối hợp cùng Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống thiên tai trong tương lai.
Với sự hỗ trợ quan trọng của Nhật Bản, IOM và UNICEF cam kết giúp đỡ người dân các tỉnh miền Bắc của Việt Nam xây dựng lại cuộc sống sau thảm họa tự nhiên này. Sự hỗ trợ liên tục của các đối tác quốc tế là rất quan trọng, không chỉ trong thời điểm các cộng đồng đang tái thiết sau sự tàn phá khốc liệt do bão Yagi để lại mà còn góp phần kiến thiết, tăng cường khả năng phục hồi trước các thảm họa tự nhiên trong tương lai.
*Tính đến nay, những hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản nhằm khắc phục hậu quả của bão Yagi có thể kể đến:
- Viện trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp, bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng, cho 2.000 hộ gia đình nhằm khắc phục thiệt hại do bão gây ra.
- Cung cấp các lô hàng cứu trợ khẩn cấp thông qua Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) (bao gồm 2.000 bộ dụng cụ gia đình, 1.000 bộ dụng cụ sửa chữa nơi sơ tán, 1.000 bộ đồ dùng bếp và 3.000 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, với tổng trị giá khoảng 250.000 đô la Mỹ, trong đó có 230.000 đô la Mỹ được cung cấp thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản – ASEAN (Quỹ JAIF).
- Viện trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp thông qua UNICEF (bao gồm 850 thùng chứa nước, trị giá 70.000 đô la Mỹ).
Liên hệ báo chí:
KAMITANI Naoko, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tel 024-3846-3000 (3105). kobunvn@ha.mofa.go.jp
Nguyễn Ngọc Trâm, IOM Việt Nam, ĐT : +84 (0) 912893964 . ngocnguyen@iom.int .
Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, ĐT: +84 (0) 904154678. ntthuong@unicef.org