IOM hỗ trợ một phụ nữ di cư Việt Nam trở về an toàn sau 6 năm bị bóc lột lao động ở Syria
Hà nội 01/11/2013

Chị H., một bà mẹ đơn thân Việt Nam ở độ tuổi gần 30 sống ở một tỉnh miền Bắc, đã rời Việt Nam ra ngước ngoài vào năm 2007 để kiếm tiền chăm lo cho con gái nhỏ và người mẹ già của chị

H. được một người phụ nữ làm nghề môi giới lao động xuất khẩu bất hợp pháp tại Hà Nội tuyển dụng. Người phụ nữ này xuất thân cùng quê với H. và là một người mà H. tin tưởng. Bị ấn tượng bởi số tiền mà những người lao động di cư khác có thể kiếm được, H. quyết định thử vận may của mình. H. đã trả 2.200 USD cho người môi giới này để bà ta giúp H. sang Syria làm việc. Đối với một gia đình bình thường ở Việt Nam thì đây là một khoản tiền rất lớn nên mẹ của H. đã phải vay ngân hàng để có số tiền này. Tuy nhiên, H. nhận được lời hứa là sẽ được trả 350 USD mỗi tháng cho một công việc trong ngành công nghiệp nên cô nghĩ rằng khoản đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận bảo đảm cho cuộc sống của cô và gia đình sau 3 năm làm việc.

Khi đặt chân tới Syria, một phụ nữ Việt Nam đón H. ở sân bay và đưa H. đến gặp người đại diện công ty môi giới việc làm ở Syria. Ông ta nói với H. rằng cô sẽ phải làm người giúp việc cho một gia đình ở Aleppo, và cô sẽ nhận một mức lương thấp hơn rất nhiều – chỉ 150 USD một tháng. Khi H. cố chống cự thì bị dọa đánh, vì vậy cô phải đồng ý. H. phải kí một hợp đồng lao động 3 năm bằng tiếng Ả rập với công ty này (H. không biết tiếng Ả rập), và người môi giới chỉ giải thích rằng hợp đồng này kéo dài 3 năm.

H. được đối xử bình thường ở gia đình đầu tiên mà cô giúp việc; tuy nhiên khi H. gửi những tháng lương đầu về nhà qua người môi giớiở Syria, chỉ một nửa số tiền đến được với gia đình cô ở Việt Nam. đã kiếm được tổng cộng 550 USD trong 3 năm làm việc liên tục ở Aleppo nhưng cô chỉ gửi được tiền về cho gia đình 2 lần.

Sau 3 năm, H. được trao trả lại cho công ty tuyển dụng và H. nghĩ rằng cuối cùng cô cũng có thể về nước. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra...Người môi giới bảo cô rằng không có chuyến bay nào về Việt Nam và cô phải chờ. Nhưng tuần này qua tuần khác, người môi giới trì hoãn việc đưa H trở về và bắt cô làm việc không công tại nhà riêng của hắn trong gần 8 tháng, và sau đó lại làm cho các gia đình khác có hợp đồng với công ty của hắn.

Khi H bị buộc làm việc ở các gia đình khác này, cô càng ngày càng bị ngược đãi hơn; cô không được phép rời khỏi nhà. Nếu H muốn mua bất kì đồ dùng hàng ngày gì, cô đều phải hỏi ‘chủ’ để nhận được sự đồng ý và ít tiền. Cô chỉ được phép ra ngoài khi có người đi cùng.

Người môi giới tại Syria đã nhận toàn bộ số tiền lương của cô và hắn hứa sẽ đưa lại cho H. khi cô về Việt Nam. Nhưng thực tế hắn giữ toàn bộ số tiền và bắt H. làm việc không lương trong 3 năm còn lại. H. cũng gần như không thể liên lạc với gia đình cô ở Việt Nam trong thời gian này. Khi người mẹ già của cô hỏi người môi giới ở Việt Nam để giúp đưa H. trở về Thanh Hóa, bà ta đòi 1.000 USD; nhưng ngay cả khi gia đình H. ở Việt Nam cố gắng gom đủ 500 USD đưa cho bà ta thì vẫn không chuyện gì xảy ra cả. H hoàn toàn bị mắc kẹt tại Syria.

Trong thời gian đó, một cuộc nội chiến xảy ra ở Syria và làm cho tình hình của H càng trở nên phức tạp. Mặc dù không được phép ra khỏi nhà và bị cắt mọi thông tin, cuộc sống khổ sở của H. cũng không có gì thay đổi nhiều. Tại Việt Nam, mẹ của H đã phải khổ sở trong nhiều năm do không thể liên lạc với con gái và cũng vì tất cả những khó khăn kinh tế kéo theo.

Cô H. cho xem Giấy thông hành đã được cấp để trở về Việt Nam. H. đoàn tụ với mẹ và con gái tại sân bay Nội Bài – Hà Nội sau 6 năm xa cách và bị bóc lột
Cô H. cho xem Giấy thông hành đã được cấp để trở về Việt Nam. H. đoàn tụ với mẹ và con gái tại sân bay Nội Bài – Hà Nội sau 6 năm xa cách và bị bóc lột

May mắn thay, H cuối cùng cũng có cơ hội gọi điện về nhà – người chủ gia đình mà cô làm việc đã thông cảm cho hoàn cảnh của cô. Nhờ liên lạc với một gia đình khác ở cùng tỉnh, mẹ của H. được kết nối liên lạc với Cục Lãnh Sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam (MoFA) và với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM). Bộ Ngoại Giao và IOM đã phối hợp chặt chẽ để giúp đỡ những người Việt Nam bị tồn thương ở nước ngoài và giúp họ trở về nhà, nhất là từ những vùng đang có xung đột.

Cuối tháng 10 năm 2013, H. được IOM Syria đưa từ Aleppo về Damascus. Tại Damascus, Đại sứ quán Philippines đã cung cấp chỗ ở và sự bảo vệ trong vài ngày (do không có Đại sứ quán Việt Nam ở Damascus). Trong thời gian đó, Đại sứ quán Việt Nam ở Turkey đã cấp giấy thông hành cần thiết và hỗ trợ tích cực trong cả quá trình. IOM đã làm việc với chính quyền Syria để có được giấy phép xuất cảnh.

Vào ngày 30 tháng 10 năm 2013, H. đi cùng đoàn hộ tống nhân đạo của IOM, đoàn này đưa những người di cư bị mắc kẹt theo đường bộ từ Damascus đến nước láng giềng Lebanon. Tại Lebanon, nhân viên của Lãnh sự quán Việt Nam và IOM đã hỗ trợ H. Vào cùng ngày, H. lên chuyến bay do IOM thu xếp bay từ Beirut (Lebanon) qua Doha và Bangkok để về Hà Nội. IOM Việt Nam thông báo cho gia đình H. tại Thanh Hóa và tổ chức đón tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.

Khi H. trở về Hà Nội vào chiều ngày 31 tháng 10 năm 2013, con gái 9 tuổi của H., mẹ cô cùng vài người bạn và nhân viên IOM đón tại sân bay. Tình cảm lúc đó thật dạt dào: H. và con gái đã không gặp nhau trong suốt nhiều năm. H. xa nhà trong 6 năm và chỉ kiếm được 550 USD; thậm chí khoản tiền đầu tư ban đầu cũng không thu lại được.

Tuy nhiên H. đã sống sót và đoàn tụ với gia đình. “Tôi rất hạnh phúc vì được trở về Việt Nam. Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới IOM và Bộ Ngoại giao Việt Nam vì đã giúp đỡ tôi. Tôi cũng muốn gửi một thông điệp tới những người đồng hương tại Việt Nam: Xin hãy cẩn thận với những lời mời làm việc tại nước ngoài, đừng tin tưởng người khác quá dễ dàng. Những kẻ buôn bán người vẫn còn ngoài kia và tôi không phải trường hợp duy nhất bị bán sang Syria.”

Ông Florian G. Forster, Trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam chia sẻ: “Tôi rất vui vì chúng tôi đã có thể giúp đỡ. Trường hợp của H. đã minh họa rõ ràng cơ chế của sự bóc lột khủng khiếp mà người di cư Việt Nam có thể gặp phải. H. rõ ràng đã bị lừa vào một tình huống mà cô bị bóc lột trong nhiều năm. Chúng tôi đã gặp những trường hợp tương tự. Bây giờ là lúc các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam điều tra và xác định nên áp dụng các hình phạt dựa trên tội buôn bán người hay các tội hình sự khác đối với thủ phạm. H. cũng cần được nhận sự hỗ trợ để hồi phục, tái hòa nhập và bắt đầu các hoạt động tạo thu nhập để trang trải cuộc sống cho gia đình và chính mình.”

Hôm nay, H. tổ chức sinh nhật lần thứ 29 của mình. “ Được trở về với gia đình tại quê nhà Việt Nam là món quà quý giá nhất đối với tôi. Tôi cảm thấy như mình được sinh ra lần nữa.”

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ: Ông Florian G.Forster, CTrưởng phái đoàn, IOM Việt Nam 
Email: fforster@iom.int