Thông qua chương trình Hỗ trợ tự nguyện hồi hương và tái hòa nhập (AVRR), IOM Việt Nam phối hợp với các phái đoàn IOM tại các nước khác trên thế giới giúp đỡ người di cư không chính thức trở về Việt Nam và xây dựng lại cuộc sống.

Các hoạt động hỗ trợ tái hòa nhập đa dạng có thể bao gồm một khoản trợ cấp tái thiết đời sống cùng nhiều phương án hỗ trợ kinh tế xã hội khác được trao trực tiếp cho người hồi hương. Đối tượng thụ hưởng của những hoạt động này bao gồm:

  • Người di cư theo đường không chính thức,
  • Người bị từ chối đơn xin tị nạn
  • Nạn nhân của tội phạm buôn bán người
  • Bất cứ ai có tình trạng cư trú hợp pháp ở nước sở tại nhưng không có phương tiện để trở về quê hương (bao gồm người di cư bị mắc kẹt hoặc sinh viên);
  • Lao động di cư sau khi hết hợp đồng.

Hầu hết các nhóm di dân nói trên, đặc biệt là nhóm nạn nhân buôn bán người, có thể bao gồm trẻ vị thành niên không có người giám hộ đi kèm. Bên cạnh những hỗ trợ tương tự như các nhóm di dân dễ bị tổn thương khác, đối với các đối tượng trẻ vị thành niên này, quá trình hỗ trợ hồi hương còn đòi hỏi thêm nhiều cân nhắc và phương án bổ trợ nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của trẻ.

Các hoạt động hỗ trợ hòa nhập do IOM thực hiện theo cách tiếp cận tạo điều kiện cho sự tham gia của cá nhân, trong đó đề cao tầm quan trọng của sự chuẩn bị kĩ lưỡng, linh hoạt, lên kế hoạch thực tế và theo dõi giám sát suốt quá trình.

Dự án đang diễn ra

Hỗ trợ Hồi hương Tự nguyện

Thời gian: Đang thực hiện

Địa điểm: Trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Châu Âu và Châu Úc hiện có nhiều người di cư bất hợp pháp, trong số đó có cả người Việt Nam. IOM Việt Nam hợp tác với các Văn phòng IOM tại Vương quốc Anh, Ba Lan, Slovakia, Bỉ, Úc và Chính phủ các nước này thực hiện hợp phần tái hoà nhập của chương trình hồi hương cho những người di cư Việt Nam tự nguyện hồi hương. Dự án này hỗ trợ những người trở về dưới một số hình thức, bao gồm hỗ trợ tài chính ban đầu để họ thực hiện công việc kinh doanh nhỏ, hỗ trợ giáo dục và học nghề, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở tạm thời. Mục đích chính của chương trình là giúp đỡ những người trở về dần dần hoà nhập với cộng động, ổn định cuộc sống và có tương lai tươi sáng hơn dựa trên cơ sở kiến thức và việc làm.

Dự án đã hoàn thành

Dự án nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin cho các cô dâu Việt Nam di cư lấy chồng Hàn Quốc

Thời gian: Tháng 4 – tháng 12 năm 2008

Địa điểm: Các tỉnh có số lượng lớn phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc.

Kể từ năm 2001, số lượng cô dâu di cư sang Hàn Quốc đã gia tăng mạnh mẽ. Hiện tại, mỗi năm có trên 12.000 phụ nữ Việt Nam di cư sang Hàn Quốc sau khi kết hôn với người Hàn Quốc tại Việt Nam. Các cuộc hôn nhân này thường do môi giới hôn nhân sắp đặt. Mục đích của dự án này là cung cấp cho những phụ nữ đang cân nhắc việc kết hôn với đàn ông Hàn Quốc về những hệ lụy có thể có từ cuộc hôn nhân đó, cũng như cung cấp thông tin chính xác cho những người đã đi đến cam kết hôn nhân. Một hợp phần của dự án là xây dựng tài liệu nâng cao nhận thức cho những người có khả năng trở thành cô dâu di cư tại Việt Nam. Hợp phần hai của dự án cung cấp đào tạo cho các tư vấn viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Sở Tư pháp để họ có thể phổ biến những thông tin chính xác trong khi phỏng vấn về hôn nhân theo thủ tục yêu cầu. Thông qua phương pháp tiếp cận kép kết hợp giữa cung cấp tài liệu thông tin về các mạng lưới hỗ trợ sẵn có tại Hàn Quốc cho người di cư và cung cấp tư vấn, các cô dâu di cư đã được tăng quyền để có thể đòi quyền cá nhân của họ ở Hàn Quốc và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần.

 

Định hướng trước khi Xuất cảnh cho các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc

Thời gian: Tháng 10 năm 2007 – tháng 1 năm 2008

Địa điểm: Thành phố Hồ Chí Minh

Để đáp ứng với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cô dâu Việt Nam di cư sang Hàn Quốc thông qua quá trình môi giới hôn nhân kéo dài 2 – 3 ngày, IOM đã triển khai chương trình định hướng trước khi xuất cảnh cho phụ nữ kết hôn với công dân Hàn Quốc. Trong 4 tháng đầu thực hiện dự án – từ tháng 10/2007 đến tháng 1/2008 – đã có trên 1.100 phụ nữ tham gia lớp học một ngày về cung cấp thông tin cơ bản liên quan đến văn hóa Hàn Quốc, chuẩn mực xã hội, quyền và quốc tịch. Dự án còn vận hành đường dây nóng cung cấp tư vấn miễn phí nơi các cán bộ tư vấn được đào tạo đã cung cấp những lời khuyên và hỗ trợ về những vấn đề về di cư có yếu tố hôn nhân. Những trợ giúp thông qua lớp học và đường dây nóng đã giúp cho nhóm phụ nữ trẻ này, chủ yếu đến từ những cộng đồng nông thôn nghèo của đồng bằng sông Cửu Long, trở nên mạnh mẽ hơn và được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức đôi từ cuộc hôn nhân khác nền văn hóa gắn liền với di cư. Sau khi dự án kết thúc, trách nhiệm vận hành các hoạt động này được chuyển giao cho một tổ chức phi chính phủ.

Xin vui lòng liên hệ bộ phận Hỗ trợ Họat động của chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết:

Hà Nội:
Tòa nhà Liên Hiệp Quốc - UN 
304 Kim Mã, Phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại: (+84.24) 3850 0373, (+84.24) 3736 6259  
Vui lòng đặt lịch hẹn trước khi đến.

Tp. Hồ Chí Minh:
1B Đường Phạm Ngọc Thạch,
Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (+84.28) 3822 2057
Fax: (+84.28) 3822 1780
E-mail: hcmc@iom.int

Giờ làm việc của IOM:
Vào đây để xem giờ làm việc của IOM.