-
Chúng tôi là ai
Chúng tôi là aiTổ chức Di cư Quốc tế (IOM) là Cơ quan Di cư của Liên hợp quốc, tổ chức hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn và có trật tự vì lợi ích của tất cả mọi người. IOM bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1987.
Giới thiệu
Giới thiệu
IOM Toàn cầu
IOM Toàn cầu
-
Công việc của chúng tôi
Công việc của chúng tôiLà tổ chức liên chính phủ hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn và có trật tự, IOM đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 thông qua các lĩnh vực can thiệp khác nhau, kết nối hỗ trợ nhân đạo và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, IOM hỗ trợ người di cư thông qua các hoạt động tái hoà nhập, hỗ trợ và bảo vệ đa dạng.
Chúng tôi làm gì
Chúng tôi làm gì
Những vấn đề xuyên suốt (Toàn cầu)
Những vấn đề xuyên suốt (Toàn cầu)
- Dữ liệu và Tài nguyên
- Hành động
- 2030 Agenda
Bài phát biểu của Quyền Trưởng đại diện IOM Việt Nam Brett Dickson trong Ngày Toàn dân Phòng chống mua bán người
Kính thưa các quý vị đại biểu, quý ông và quý bà,
Thay mặt cho Tổ chức Di cư Quốc tế - Cơ quan Di cư Liên hiệp Quốc IOM và Một Liên hiệp Quốc tại Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn Ngài Phó Thủ tướng thường trực chính phủ Trương Hòa Bình, Lãnh đạo Bộ Công an VN, TW Hội LHPN TW và UBND tỉnh Nghệ An đã đồng tổ chức sự kiện ngày toàn dân phòng chống mua bán người hôm nay.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các đối tác chính phủ cấp trung ương và địa phương cũng như các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển đã có mặt tại sự kiện này. Sự tham gia của các quý vị đã củng cố một tầm nhìn và cam kết chung của tất cả chúng ta trong việc sát cánh cùng nhau phòng chống loại hình tội phạm nguy hiểm này.
Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới tất cả những cán bộ tuyến đầu, những người đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc giải cứu, hỗ trợ nạn nhân và bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước nguy cơ mua bán người trong giai đoạn khó khăn khi mà dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Trên tinh thần của chủ đề năm nay, nỗ lực của tất cả các bạn đã minh chứng cho một thông điệp “Cam kết hết mình – Chung lưng cùng tuyến đầu xóa bỏ nạn mua bán người’
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Lao động di cư được quản lý tốt và an toàn là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam. Trong khi lao động di cư có thể coi như một cơ hội kinh tế lớn và góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình thông qua kiều hối, nó cũng có thể tiềm ẩn những nguy cơ cho những người tham gia vào các kênh di cư không chính thống.
Thảm kịch của 39 người Việt bỏ mạng tại Vương quốc Anh năm vừa qua là một lời cảnh tỉnh đau lòng về những nguy hiểm thực sự mà những kẻ đưa người di cư trái phép và mua bán người có thể gây ra.
Hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng – một năm nữa lại trôi qua; rằng, dù chúng ta làm tốt bao nhiêu đi chăng nữa thì vẫn là chưa đủ. Đã đến lúc phải chấm dứt nạn mua bán người đối với cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em, ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Thay mặt cho Cơ quan Di cư liên hiệp quốc và Một LHQ tại Việt Nam, tôi khuyến khích chính phủ Việt Nam cũng như các đối tác phát triển và tổ chức xã hội tiếp tục duy trì những nỗ lực để chấm dứt nạn mua bán người.
Trong suốt 5 năm thực hiện kế hoạch hành động quốc gia 2016-2020, không thể phủ nhận rằng Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn với những cam kết và hành động cao trong đấu tranh chống mua bán người. Tuy nhiên, dù chúng ta đã cùng nhau cố gắng, mua bán người vẫn diễn biến hết sức phức tạp và dai dẳng, ảnh hưởng đến những nỗ lực phát triển bền vững của Việt Nam ở gần như tất cả các mục tiêu phát triển bền vững.
Chúng ta cần tăng cường các nỗ lực của các cán bộ cơ quan chính phủ, liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức xã hội, đảm bảo rằng năng lực điều tra kết hợp hài hòa với phương pháp tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm.
Cần phải tăng cường hơn các nỗ lực để đảm bảo nạn nhân được hỗ trợ suốt quá trình thực thi pháp luật và chu trình pháp lý cũng như các biện pháp liên quan đến hồi hương an toàn, hay tăng thêm thời gian bảo vệ vĩnh viễn hoặc tạm thời cho những người bị bóc lột hoặc xâm hại. Các biện pháp này sẽ giúp nạn nhân không bị tổn thương thêm nữa, hoặc tái mua bán mà họ vô tình phải trải qua khi theo đuổi việc đưa những kẻ mua bán người ra trước ánh sáng pháp luật.
Chúng ta cũng cần tiếp tục giám sát và đánh giá công việc của mình để xác định các thiếu sót nhằm đảm bảo nạn nhân được an toàn, phẩm hạnh và quyền lợi của họ được bảo vệ.
Trong giai đoạn khủng hoảng do dịch COVID-19 gây ra, chúng ta cũng cần công nhận vai trò then chốt của khối tư nhân và các đối tác phi truyền thống trong giải quyết tình trạng mua bán người với mục đích cưỡng bức lao động, và đảm bảo chuỗi cung ứng lao động toàn cầu thực hành việc tuyển dụng lao động có đạo đức.
Cuối cùng, hợp tác liên ngành và hợp tác quốc tế là hết sức quan trọng để giúp các nỗ lực của chúng ta giải quyết được các khó khăn lớn lao nhất. Mục tiêu chấm dứt mua bán người đối với nam giới, phụ nữ và trẻ em sẽ không thể đạt được nếu không có những hợp tác hiện có và không có tính bền vững khi tất cả các đối tác không cùng nhau chung tay.
Kính thưa các quý vị đại biểu,
Sự kiện ngày hôm nay là một tín hiệu thể hiện sự cam kết chặt chẽ của chính phủ Việt Nam nhằm chấm dứt mua bán người. Chính phủ Việt Nam đã chứng minh cho thế giới năng lực đối phó với sự lây lan của đại dịch COVID-19 thông qua việc phát hiện sớm và chiến dịch kiểm soát toàn diện với sự tham gia của nhiều cơ quan chính phủ, khối tư nhân và cộng đồng địa phương. Tôi tin rằng, cũng với cam kết cao và hành động tương tự ở tất cả các cấp, chúng ta có thể chấm dứt nạn mua bán người.
Cuối cùng, tôi xin tái khẳng định rằng, với IOM - một cơ quan di cư liên hiệp quốc và các tổ chức thành viên của liên hiệp quốc, là những đối tác luôn cam kết làm việc hết mình và sát cánh cùng các bạn trong cuộc chiến này. Thông qua hợp tác và đối tác, chúng ta sẽ thật sự chấm dứt nạn mua bán người!
Xin chân thành cảm ơn và chúc quý vị có nhiều sức khỏe và một sự kiện thành công.
Xin cảm ơn.