Tin tức
Local

Cuộc chiến chống đại dịch thông tin

Bài viết

Hà Nội - Mỗi khi đọc tin vaccine hạ cánh an toàn tại Việt Nam, tôi như lại được tiêm một liều niềm tin rằng chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch, và mọi thứ sẽ trở lại “bình thường”. Đã mang phận tha hương, thì dù là người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, hay những người lao động xa xứ trong các khu công nghiệp, phải chăng chúng ta đều sẻ chia một nỗi niềm: đến bao giờ mới lại được tự do xê dịch? Trong những ngày ăn ngủ cùng nỗi lo virus gõ cửa, tôi chợt thấy mơ hồ về một thực tại có khi chẳng mấy khác biệt với một người Hà Nội làm việc ở Bắc Giang hay một người Hàn Quốc đang làm việc tại Hà Nội. Ai mà chẳng ngậm ngùi vì không thể về thăm gia đình (và thú cưng) ở quê nhà. Bởi thế, vaccine chính là cánh cửa mở ra hy vọng. 

Tuy nhiên, tiêm chủng toàn dân vẫn chưa phải là trận chiến cuối cùng và COVID-19 không phải là kẻ thù duy nhất. Chúng ta còn phải chiến đấu với tên đồng phạm không kém phần nguy hiểm, đó là đại dịch thông tin*. 

Sự gia tăng mạnh mẽ trong việc tiếp cận Internet cùng sự phát triển và sử dụng các nền tảng mạng xã hội đa dạng đã cho phép các công dân 4.0 thoải mái chia sẻ quan điểm, trải nghiệm, đăng tải tin tức và quảng bá về mọi thứ với rất ít luật lệ trói buộc. Một mặt, tất cả đều tìm được những thông tin hữu ích một cách nhanh chóng và dễ dàng. Mặt khác, những thông tin không chính xác, phóng đại, chưa được kiểm chứng, sai sự thật, lừa đảo cũng có thể lan truyền đến hàng triệu người chỉ trong chớp mắt. Chính điều này đã cản trở những nỗ lực ứng phó với COVID-19 và triển khai tiêm vaccine ở nhiều nơi trên thế giới. 

Câu chuyện di cư chắc chắn không phải là ngoại lệ. Sự hoành hành của đại dịch thông tin trên cả ”mặt trận” trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline) vẫn là nỗi trăn trở bấy lâu nay của tôi và các đồng nghiệp. Cũng như COVID-19, nó đang tác động thảm khốc đến cuộc sống của hàng triệu người. 

Vào tháng 5 vừa rồi, 165 người Việt đã mắc kẹt ở Đà Nẵng do nghe theo lời hứa hẹn về việc đưa người đi lao động ở Hàn Quốc bằng đường biển. Tôi, một người Hàn Quốc, xin đảm bảo rằng, bạn không thể đến được Hàn Quốc nếu đi thuyền từ Việt Nam. Nếu bất cứ ai hứa hẹn như vậy, rất tiếc, bạn đã gặp phải lừa đảo.

Hay như cảnh báo gần đây về thủ đoạn của các đường dây mua bán người lôi kéo công dân Việt Nam sang Campuchia theo con đường bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cơ sở đánh bạc hoặc chơi game trực tuyến. Họ bị giám sát chặt chẽ, bị bóc lột sức lao động và cưỡng bức làm việc đến 15 – 16 tiếng một ngày. Nhiều người bị tra tấn, đánh đập tàn bạo khi từ chối làm việc hay tìm cách bỏ trốn. Những người muốn trở về Việt Nam thì bị bắt ký giấy nợ hàng ngàn đô-la mới được thả hoặc bị bán cho công ty khác. 

Đáng buồn rằng, những câu chuyện như thế này không mấy xa lạ với chúng tôi trong sự nghiệp hỗ trợ người di cư tại IOM - Cơ quan Di cư Liên Hợp Quốc.

Những quyết định mà người di cư đưa ra về nơi họ đi, tuyến đường họ chọn và cách họ kiếm sống có thể đem lại nhiều hệ quả khác nhau. Nếu không tiếp cận được nguồn thông tin đúng đắn, đúng lúc và đúng cách, con người ta rất dễ đưa ra những quyết định khiến bản thân và gia đình rơi vào nguy hiểm, thậm chí là mất mạng.

Một nghiên cứu gần đây do IOM Việt Nam và Đại học Bedfordshire tại Vương quốc Anh thực hiện cho thấy các nạn nhân bị mua bán người Việt thường khởi đầu hành trình di cư bằng một quyết định lý trí nhưng lại dựa trên thông tin hạn chế hoặc không đáng tin cậy về chi phí, thời gian, rủi ro, yêu cầu pháp lý, lựa chọn thay thế hay tình hình trên đường đi và tại điểm đến. Một khi đã cất bước, số phận của họ ngày càng trở nên bấp bênh hơn khi phải đối mặt với những hoàn cảnh mới đầy rẫy hiểm nguy.

Những con virus tin giả và tin thất thiệt hoàn toàn có thể khiến chúng ta đánh đổi cả mạng sống. Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên được cái chết bi thảm của 39 người Việt trong một chiếc container tại Anh năm 2019.

Thật không may, cuộc khủng hoảng COVID-19 rất có thể khiến vấn nạn mua bán người trở nên trầm trọng hơn. Đại dịch không chỉ khiến nhiều người bị tổn thương về kinh tế và phải tìm cơ hội kiếm ăn ở nước ngoài, mà còn làm cho quá trình di cư trở nên phức tạp và tốn kém hơn do các quy định về đi lại và nhập cảnh đã bị siết chặt, đẩy họ tới các kênh di cư trái phép đầy nguy hiểm. Đồng nghĩa rằng, sẽ càng có thêm nhiều con mồi béo bở để những kẻ buôn người và đưa người trái phép gieo rắc virus tin giả cho tiện bề bóc lột và lợi dụng.

Vậy làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi mánh khoé của tội phạm và đưa ra quyết định di cư sáng suốt? Tôi cho rằng các hướng dẫn của WHO về đại dịch thông tin trong bối cảnh COVID-19 rất phù hợp và hữu ích. 

Trước tiên, hãy luôn kiểm tra xem thông tin bạn vừa đọc đã được công bố chính thức hay chưa. Đọc tin cũng đừng chỉ dừng lại ở tiêu đề, vì việc giật tít là hoàn toàn có chủ ý (lời mời gọi hấp dẫn quá chưa chắc đã là thật!). Bạn cũng nên cẩn thận cả với nguồn tin (hàng xóm hay bạn bè chưa chắc đã nắm được quy định nhập cảnh của nước Anh). Thời điểm đăng tải cũng cần phải được lưu ý (thông tin xuất khẩu lao động thay đổi theo từng năm). Nghe lời bùi tai cũng phải tỉnh táo kiểm tra lại xem liệu có đúng sự thật (bằng cách truy cập các trang web chính thống). Và cuối cùng, hãy bình tĩnh hỏi lại bản thân xem phán đoán của mình có thực sự dựa trên lý trí hay không (nếu bạn quá khao khát ra đi, sẽ khó để phân biệt được chính xác đâu là tin thật, tin giả hay tin thất thiệt).

Những việc làm này không phải là vaccine chống lại virus tin giả, mà là những biện pháp phòng ngừa mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng áp dụng. 

Chúng ta đều biết đeo khẩu trang và rửa tay cứu được bao nhiêu sinh mạng và rất hiệu quả để phòng chống lây nhiễm nCoV. Đó là lý do tại sao IOM đã và đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức xã hội, các cơ quan Liên Hợp Quốc và Chính phủ Anh, Úc và Mỹ để trang bị cho cộng đồng những chiếc “khẩu trang” đạt chuẩn - kiến thức về di cư an toàn và sự cảnh giác với tin giả và tin thất thiệt, đồng thời hướng dẫn mọi người “rửa tay” đúng cách - nhận biết và tránh xa những kẻ buôn người và đưa người di cư trái phép. Chúng tôi cũng đang nỗ lực tạo ra các cơ hội sinh kế trong nước - cung cấp các “gói hỗ trợ” để họ ít bị tổn thương hơn trước đại dịch. 

Hiện vẫn chưa có vaccine chống lại loại virus quái ác này, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách “đeo khẩu trang” kháng tin giả và “rửa tay” thường xuyên để trôi đi những thông tin sai lệch vẫn trực chờ đeo bám.

Đây sẽ là lại là một cuộc chiến trường kỳ gian khổ. Đạt được “miễn dịch cộng đồng” có vẻ như khó với COVID-19, với đại dịch thông tin hay thậm chí là cả với mua bán người. Nhưng nếu tất cả chúng ta đều làm đúng nghĩa vụ của mình, sàng lọc và chia sẻ thông tin một cách trách nhiệm, đồng thời luôn đưa ra những quyết định sáng suốt, có lẽ bạn và tôi cũng có quyền mơ về một ngày chiến thắng không còn xa. 

Bài viết của Trưởng Phái đoàn IOM Việt Nam, Park Mi Hyung nhân Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người

* Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa infodemic – đại dịch thông tin là “tình trạng dư thừa thông tin và sự lan truyền nhanh chóng của tin tức, hình ảnh và video giả hoặc bịa đặt”.