Tin tức
Local

Đối thoại Chính sách của IOM Việt Nam tại Cần Thơ nhằm Trao quyền cho Cộng đồng thông qua Cập nhật về Luật 69 nhằm Thúc đẩy Di cư Lao động An toàn

Cần Thơ, Việt Nam, ngày 30 tháng 5 năm 2023 - Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) Phái đoàn tại Việt Nam, và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hôm nay đã tổ chức buổi Đối thoại Chính sách tại Cần Thơ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về những cập nhật mới nhất của Luật 69 và thực hành di cư lao động an toàn. Buổi đối thoại nằm trong chuỗi năm sự kiện cộng đồng được tổ chức với sự phối hợp của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (DOLAB).

Để tiếp tục khuyến khích các cuộc đối thoại về di cư an toàn trong cộng đồng địa phương, hoạt động tại Cần Thơ lần này hướng đến các sinh viên cao đẳng nghề, những người sẽ sớm tham gia thị trường lao động và có khả năng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài. Sự kiện có sự tham gia của 250 các bạn sinh viên và hội viên Hội phụ nữ tỉnh, cùng với sự hiện diện của các đại biểu đến từ IOM, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ. Buổi đối thoại chính sách giúp người tham gia hiểu sâu hơn về các quy định, cập nhật và áp dụng của luật; đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nhà hoạch định chính sách và các thành viên cộng đồng thông qua việc cung cấp thông tin chính xác.

Vocational college students in Can Tho participating in a policy dialogue organized by IOM Viet Nam and the Provincial Women's Union @ Photo: IOM Viet Nam
Sinh viên trường cao đẳng nghề tại Cần Thơ tham gia buổi đối thoại chính sách do IOM Việt Nam và Hội phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức @ Ảnh: IOM Việt Nam

“IOM tin rằng sự tham gia của cộng đồng là rất quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách và chương trình liên quan đến vấn đề di cư,” bà Park Mihyung, Trưởng phái đoàn IOM Việt Nam cho biết.

"Luật 69/2020/QH14 về Người Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (hay Luật 69), có hiệu lực từ 1/1/2022, đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ tốt hơn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các quyền của họ, đồng thời hướng đến việc thực hành tuyển dụng công bằng. Những buổi đối thoại mang tính cởi mở và tương tác cao như hoạt động hôm nay tại Cần Thơ sẽ giúp các bạn sinh viên cao đẳng nghề và người dân có nguyện vọng di cư lao động có được kiến thức cần thiết về một số thay đổi quan trọng trong luật liên quan. Chúng tôi hi vọng rằng người dân có nguyện vọng ra nước ngoài làm việc sẽ hiểu hơn về những cơ hội và rủi ro trong quá trình di cư lao động để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và tự bảo vệ bản thân khi làm việc ở nước ngoài”, bà Park nhấn mạnh.

Vocational college students in Can Tho participating in a policy dialogue organized by IOM Viet Nam and the Provincial Women's Union @ Photo: IOM Viet Nam
Sinh viên cao đẳng nghề tại Cần Thơ tham gia buổi đối thoại chính sách do IOM Việt Nam và Hội phụ nữ phối hợp tổ chức @ Ảnh: IOM Việt Nam

Di cư lao động an toàn là một khía cạnh thiết yếu khác được đề cập trong buổi đối thoại lần này. Với việc Việt Nam chứng kiến sự gia tăng đáng kể về di cư lao động trong những năm gần đây, việc nâng cao nhận thức của các cá nhân về những rủi ro liên quan đến di cư trái phép và tầm quan trọng của di cư an toàn đang ngày càng trở nên cấp thiết. Thông qua các hoạt động tương tác và các bài thuyết trình giàu thông tin, người tham gia được tìm hiểu về cách để di cư an toàn, hiểu về các yêu cầu pháp lý và nơi để tiếp cận thông tin tin cậy về tuyển dụng và việc làm ở nước ngoài.

“Di cư lao động nước ngoài không qua các kênh hợp pháp khiến người lao động di cư không được tiếp cận với những dịch vụ hỗ trợ, có nguy cơ bị bóc lột lao động, mua bán người, thậm chí là mất mạng, không thể trở về, nhất là đối với phụ nữ. Vì vậy, việc tiếp tục thông tin đầy đủ và chính xác về các hình thức di cư lao động hợp pháp, hợp thức cũng như nâng cao nhận thức về luật về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho hội viên, phụ nữ và nhân dân là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy di cư an toàn, giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến mua bán người, giảm tính dễ bị tổn thương do di cư và ngăn chặn bóc lột và lạm dụng,” bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ cho biết.  

Ms. Vo Kim Thoa, Chairwoman of the Can Tho Women's Union delivering the opening remark during a policy dialogue in Can Tho @ Photo: IOM Viet Nam
Bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ phát biểu khai mạc chương trình @ Ảnh: IOM Việt Nam

Sự kiện kết thúc với lời kêu gọi tăng cường hợp tác giữa tất cả các bên liên quan nhằm bảo vệ quyền của người di cư và thúc đẩy các hoạt động di cư lao động an toàn. Người dân tham gia buổi đối thoại cũng bày tỏ cam kết nâng cao nhận thức trong các cộng đồng tại địa phương và phối hợp cùng nhau nhằm tạo ra môi trường an toàn và mang tính hỗ trợ hơn cho người lao động di cư Việt Nam.

IOM giữ vững cam kết trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Luật 69 một cách hiệu quả, cũng như nâng cao kiến thức và hiểu biết của người dân về các hoạt động di cư lao động an toàn. Thông qua các sáng kiến như buổi Đối thoại Chính sách Cộng đồng tại Cần Thơ, IOM nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác bền chặt và trao quyền cho các cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo quyền lợi và bảo vệ người lao động di cư Việt Nam.

Cần Thơ là điểm dừng chân cuối cùng trong chuỗi 5 hoạt động đối thoại cộng đồng được tổ chức tại các tỉnh thành tại Việt Nam có số lượng lớn người lao động di cư và người dân có mong muốn đi làm việc ở nước ngoài. Các sự kiện còn lại được tổ chức tại các tỉnh miền trung bao gồm Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình vào cuối năm 2022.

Liên hệ báo chí: 

Bà Nguyễn Ngọc Trâm, Cán bộ truyền thông, IOM Việt Nam - ngocnguyen@iom.int

Bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Điều phối viên truyền thông dự án - thihnguyen@iom.int

***

Một số điểm mới của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật 69/2020/QH14)

Ngày 8 tháng 12 năm 2020, Văn phòng Chủ tịch nước Việt Nam công bố Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 (Luật 69), được Quốc hội Việt Nam khóa 14 thông qua vào ngày 13 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022.

So với phiên bản luật năm 2006, Luật 69/2020/QH14 cập nhật có một số quy định mới nổi bật, bao gồm:

- Quyền đơn phương thanh lý hợp đồng của người lao động di cư trong các trường hợp bị đe dọa, quấy rối tình dục, ngược đãi hoặc cưỡng bức lao động.

- Người lao động không phải trả tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ và nghiêm cấm doanh nghiệp dịch vụ chuyển các khoản phí này sang người lao động.

- Nghiêm cấm các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng việc tuyển dụng lao động để mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động…

Để tìm hiểu thông tin chi tiết về Luật 69/2020/QH14, xem tại đây.