Tin tức
Local

IOM hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực thúc đẩy xóa bỏ lao động cưỡng bức và mua bán người

IOM hỗ trợ doanh nghiệp trong nỗ lực thúc đẩy xóa bỏ lao động cưỡng bức và mua bán người

Ngày 22/12/2016, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) tổ chức hội thảo “Trách nhiệm của doanh nghiệp trong xóa bỏ lao động cưỡng bức và mua bán người: Các quy định quốc tế và tác động đối với chuỗi cung ứng” tại thành phố Biên Hòa, thủ phủ tỉnh Đồng Nai, một trong những tỉnh đứng đầu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hội thảo giới thiệu những xu hướng mới liên quan đến vấn đề trách nhiệm của doanh nghiệp trong xóa bỏ nô lệ hóa và mua bán người trong chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt sự chuyển đổi từ việc ‘kiểm soát thiệt hại’ sang xu hướng mới với cách tiếp cận chủ động, có trách nhiệm và hợp tác hơn của nhiều tập đoàn lớn. Hội thảo cũng thảo luận về hai điều luật chống lao động cưỡng bức mới mà doanh nghiệp cần biết: Luật về Nô lệ Hiện đại của Anh 2015 với điều khoản về ‘Minh bạch trong Chuỗi cung ứng’, và Luật về Minh bạch trong Chuỗi cung ứng của bang California, 2010, cũng như một số sáng kiến tự nguyện mới. Tại hội thảo, IOM cũng giới thiệu chương trình ‘Trách nhiệm của doanh nghiệp trong xóa bỏ nô lệ hóa và mua bán người’ (CREST) một giải pháp sáng tạo giúp các công ty tối ưu hóa lợi ích của lao động di cư trong chuỗi cung ứng. Chương trình đã thu hút sự quan tâm của hơn 30 đại diện doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Đồng Nai có mặt tại hội thảo.

Các khu công nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại Đồng Nai nói riêng đang nỗ lực mang lại một môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Phần lớn người lao động từ các tỉnh khác được công ty tuyển dụng trực tiếp mà không qua trung gian. Việc tuyển dụng trực tiếp này góp phần giảm thiểu rủi ro cho người lao động, giúp họ tránh khỏi bị lạm dụng. “Tuy nhiên, trong một thế giới toàn cầu hóa và không ngừng thay đổi như hiện nay, chúng tôi tin rằng doanh nghiệp vẫn cần chú ý đến các rủi ro, nhanh nhạy nắm bắt các xu thế mới và có cách tiếp cận chủ động đối với các vấn đề mà khách hàng, nhà đầu tư của họ và người tiêu dùng quan tâm”, ông Mark Brown, Trưởng văn phòng IOM tại Thành phố Hồ Chí Minh nói. Trong năm 2017, IOM sẽ hỗ trợ DIZA triển khai chương trình CREST để hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm tập huấn cho cán bộ quản lý các nhà máy về phòng chống nô lệ hóa và mua bán người, và đánh giá, hoàn thiện chính sách tuyển dụng lao động di cư.

Ước tính hơn nửa số 21 triệu nạn nhân lao động cưỡng bức trên thế giới tập trung tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đa số họ làm trong nền kinh tế chính thức – may quần áo chúng ta mặc, thu hoạch nông sản chúng ta ăn và sản xuất các sản phẩm chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Nhiều người trong số các nạn nhân này là lao động di cư. Trong bối cảnh đó, một cách tiếp cận chủ động thúc đẩy tuyển dụng và quản lý chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế không những giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của các chính phủ và khách hàng của họ, mà còn giúp doanh nghiệp tạo ra một lực lượng lao động mạnh, gắn bó với công việc hơn, và thu hút nhiều lao động di cư hơn.

Để biết thêm thông tin, liên hệ với IOM Việt Nam. Ông David Knight, Tel: +844 3850-1810. Email: dknight@iom.int.