Tin tức
Local

IOM và KOICA khởi động dự án cứu trợ khẩn cấp cho người lao động di cư miền Trung bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 ở Việt Nam

Người di cư trở về các tỉnh miền Trung chờ được tiếp nhận tại chốt kiểm dịch. Ảnh: IOM Việt Nam

Các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm ứng phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ tư tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận phía Nam đã gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến đời sống và sinh kế của hàng triệu người di cư trong nước, đặc biệt là những người lao động tại các nhà máy và trong khu vực phi chính thức.

Gián đoạn việc làm, kèm theo mức chi phí sinh hoạt quá cao ở thành thị đã khiến hàng chục nghìn người di cư rơi vào tình cảnh không có việc làm và mất thu nhập. Nhiều lao động miền Trung buộc phải lựa chọn trở về quê nhà cho dù không hề nhìn thấy triển vọng phục hồi sau khủng hoảng do dịch bệnh. Số lượng người trở về vượt quá khả năng tiếp nhận của các tỉnh, gây ra những lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng như các áp lực và thách thức về kinh tế - xã hội. Theo ước tính của chính quyền địa phương tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh, có hơn 65.000 người dân đã trở về quê nhà. Trong tình trạng đặc biệt dễ bị tổn thương, họ rất cần được hỗ trợ kịp thời để ổn định lại cuộc sống tại cộng đồng quê hương.

Các cán bộ tuyến đầu ở Thừa Thiên Huế chào đón sự hỗ trợ của KOICA và IOM. Ảnh: Cục Lao động - Thương binh và Xã hội Huế
Các cán bộ tuyến đầu ở Thừa Thiên Huế chào đón sự hỗ trợ của KOICA và IOM. Ảnh: Cục Lao động - Thương binh và Xã hội Huế

Thông qua khoản viện trợ khẩn cấp, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) hướng tới tăng cường khả năng ứng phó với đại dịch COVID-19 tại các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ khẩn cấp cho những người di cư trở về và gia đình của họ.

“Đây là một phần trong các nỗ lực của chúng tôi nhằm tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi kinh tế - xã hội của người lao động di cư bị ảnh hưởng bởi COVID-19 tại Việt Nam”, ông Cho Han-Deok, Giám đốc KOICA tại Việt Nam cho biết. Trong khuôn khổ “Chương trình tăng cường khả năng phục hồi sau dịch COVID-19 thông qua hợp tác phát triển” (Chương trình ABC), KOICA cam kết hỗ trợ chính phủ Việt Nam vượt qua các thách thức do khủng hoảng đại dịch.

“Trong đợt tái bùng phát dịch lần này, Việt Nam đã có hơn 800.000 ca mắc và hơn 20.000 ca tử vong. Điều này đặt ra một thách thức lớn, đặc biệt là cho các tỉnh miền Trung, đối với công tác kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh cũng như tiếp nhận hàng ngàn người trở về một cách an toàn. Sự hỗ trợ kịp thời của KOICA sẽ đẩy mạnh những nỗ lực của IOM nhằm tăng cường năng lực của các địa phương trong việc ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19 và bảo vệ người di cư trong tình trạng dễ bị tổn thương”, bà Park Mi Hyung, Trưởng Phái đoàn IOM tại Việt Nam chia sẻ.

Với hỗ trợ tài chính từ KOICA, IOM sẽ cung cấp hơn 20.000 bộ đồ bảo hộ cá nhân và các vật dụng thiết yếu cho các cán bộ tuyến đầu, cùng các gói cứu trợ khẩn cấp cho hơn 2.000 hộ gia đình có người lao động di cư trở về trong tình trạng dễ bị tổn thương tại Thừa Thiên Huế và Quảng Bình.

Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ bà Doyen Yun, Trưởng bộ phận Dự án và Quan hệ đối tác, IOM Việt Nam, email: dyun@iom.int.