Tin tức
Local

Ngày Quốc tế Phụ nữ 2023 Tiếng nói quốc tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ để trao quyền cho những người phụ nữ di cư nhằm góp phần đảm bảo bình đẳng giới ở Việt Nam

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc và Đại sứ các nước Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thụy Điển và Vương quốc Anh cùng lên tiếng tôn vinh sức mạnh của phụ nữ và trẻ em gái trong quá trình di cư và đưa ra những khuyến nghị để thu hẹp khoảng cách giới về kỹ thuật số trong di cư và tăng cường khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh của người phụ nữ di cư trong thế giới số. 

Trên khắp thế giới, chúng ta đang chứng kiến con người dịch chuyển nhiều hơn bao giờ hết. Có những người tìm kiếm cơ hội mới và cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Những người khác thì bị buộc phải chuyển đi do thiên tai hoặc xung đột. Vấn đề về giới là trung tâm của bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến nguyên nhân và hậu quả của việc di cư, cho dù là bắt buộc, tự nguyện hay vì bất kỳ lý do nào khác.

Giới, giới tính, bản dạng giới và khuynh hướng tình dục của một người ảnh hưởng đến mọi giai đoạn di cư. Giới ảnh hưởng đến lý do di cư, ai di cư và đến đâu, cách người ta di cư và mạng lưới họ sử dụng, các cơ hội và nguồn lực có sẵn tại các điểm đến và mối quan hệ với quốc gia nguồn. Yếu tố về giới cũng định hình phần lớn những rủi ro, tính dễ bị tổn thương và nhu cầu của một người. Đồng thời, những vấn đề này có sự khác biệt lớn giữa các nhóm người khác nhau. Vai trò, kỳ vọng, mối quan hệ và sự tương tác thứ bậc liên quan chặt chẽ với việc một người là đàn ông hay phụ nữ, trẻ em trai hay trẻ em gái và một người liệu có xác định là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và/hoặc liên giới tính (LGBTI) hay không. Những yếu tố này ảnh hưởng đáng kể đến tất cả các khía cạnh của quá trình di cư và cũng có thể bị ảnh hưởng theo những cách thức di cư mới.

Di cư là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển chung của Việt Nam, thể hiện ở số lượng công dân Việt Nam di cư để làm việc, học tập, kết hôn, đoàn tụ gia đình và các mục đích khác, ở cả trong và ngoài nước. Lao động di cư là một nguồn đóng góp bền vững cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Theo khảo sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Việt Nam chiếm 55,5% dân số di cư trên cả nước. Năm 2020, có 3,4 triệu người Việt Nam di cư (chiếm 3,3% tổng dân số), trong đó có 1,71 triệu phụ nữ (chiếm 50,3% tổng số người di cư). Trong khi di cư mang đến cho người phụ nữ cơ hội cải thiện cuộc sống và gia đình, thì người phụ nữ Việt Nam di cư cũng phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Với gần 80% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Việt Nam có trình độ thấp hoặc không có trình độ chuyên môn cao, lao động nữ di cư chiếm một tỷ lệ khá lớn trong lực lượng lao động tham gia vào các ngành kinh tế có trình độ thấp hoặc các công việc cần sử dụng nhiều lao động, chiếm gần 74 % tổng số việc làm tại Việt Nam. Khi cuộc CMCN 4.0 bắt đầu, những tiến bộ về tự động hóa và công nghệ được dự báo sẽ khiến nhu cầu về lao động phổ thông và trình độ thấp giảm nhanh chóng. Có tới 86% lao động trong ngành dệt may và da giày của Việt Nam có nguy cơ mất việc làm trong vòng 15 năm tới. Trong bối cảnh đó, lao động nữ di cư là một trong những đối tượng chịu tác động lớn nhất của cuộc CMCN 4.0 do chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động trình độ thấp.

Ở một khía cạnh khác, phụ nữ, đặc biệt là người phụ nữ di cư để tìm kiếm việc làm phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng trên không gian mạng. Điều này là do nền tảng trực tuyến đã trở thành một kênh ngày càng phổ biến để tìm kiếm cơ hội việc làm; mặt khác, công nghệ cho phép những đối tượng mua bán người dễ dàng tiếp cận nạn nhân hơn. Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ và trẻ em gái không có trình độ chuyên môn hoặc trình độ thấp đã trở thành mục tiêu của những kẻ buôn lậu và các đối tượng mua bán người có hoạt động tội phạm xuyên quốc gia. Người Việt Nam bao gồm cả phụ nữ bị mua bán không chỉ được tìm thấy ở Châu Âu, Bắc Mỹ và các nước vùng Vịnh, mà còn ở Campuchia, Myanmar, Philippines và các nước châu Phi.

Hãy cùng chúng tôi lên tiếng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ để trao quyền cho những người phụ nữ di cư nhằm góp phần đảm bảo bình đẳng giới ở Việt Nam.