-
Chúng tôi là ai
Chúng tôi là aiTổ chức Di cư Quốc tế (IOM) là Cơ quan Di cư của Liên hợp quốc, tổ chức hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn và có trật tự vì lợi ích của tất cả mọi người. IOM bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1987.
Giới thiệu
Giới thiệu
IOM Toàn cầu
IOM Toàn cầu
-
Công việc của chúng tôi
Công việc của chúng tôiLà tổ chức liên chính phủ hàng đầu trong nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn và có trật tự, IOM đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030 thông qua các lĩnh vực can thiệp khác nhau, kết nối hỗ trợ nhân đạo và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, IOM hỗ trợ người di cư thông qua các hoạt động tái hoà nhập, hỗ trợ và bảo vệ đa dạng.
Chúng tôi làm gì
Chúng tôi làm gì
Những vấn đề xuyên suốt (Toàn cầu)
Những vấn đề xuyên suốt (Toàn cầu)
- Dữ liệu và Tài nguyên
- Hành động
- 2030 Agenda
Tập huấn Hướng dẫn áp dụng Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2022 - Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) - Cơ quan Di cư Liên hợp quốc phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (DOLAB) tổ chức Tập huấn Hướng dẫn áp dụng Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư (gọi tắt là Bộ quy chuẩn).
Tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của đại diện Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Dịch vụ Việc làm từ 25 tỉnh thành trên cả nước.
Bộ quy chuẩn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư là một phần trong nỗ lực hợp tác giữa IOM và Cục Quản lý lao động ngoài nước nhằm thúc đẩy di cư lao động an toàn và phòng chống mua bán người. Hoạt động thuộc khuôn khổ Dự án “Đấu tranh phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi và các dịch vụ hỗ trợ”, do IOM thực hiện dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Vương quốc Anh.
Sau hơn hai năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19, thị trường lao động ngoài nước đang từng bước phục hồi, nhiều quốc gia đã mở cửa tiếp nhận lại lao động nước ngoài. Trong bối cảnh đó, việc soạn thảo và ban hành Bộ quy chuẩn là rất cần thiết, góp phần hỗ trợ công tác truyền thông cộng đồng tại địa phương, nhằm khuyến khích người có mong muốn di cư đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ các cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương trước nguy cơ mua bán người và nô lệ thời hiện đại.
Bộ quy chuẩn cung cấp các khái niệm và phương thức truyền thông cộng đồng, truyền thông thay đổi hành vi, các cách lập kế hoạch và xây dựng chiến lược và hoạt động truyền thông phù hợp với tình hình của từng địa phương, cũng như bài học kinh nghiệm từ chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi nhằm thúc đẩy di cư an toàn và phòng chống mua bán người của IOM trong thời gian vừa qua.
Phát biểu khai mạc Tập huấn, ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN cho rằng đây là hoạt động ưu tiên thúc đẩy di cư lao động an toàn của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phối hợp với IOM liên quan đến nâng cao năng lực về truyền thông, thông qua việc xây dựng Bộ quy chuẩn hướng dẫn về công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho lao động di cư. Tài liệu được biên soạn dành cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các đơn vị trực thuộc cơ quan lao động địa phương như: các cán bộ lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động truyền về lĩnh vực di cư lao động các cấp, cán bộ Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm dịch vụ việc làm; Phòng LĐ-TB&XH cấp huyện. Hội thảo tập huấn giới thiệu Bộ quy chuẩn tới các địa phương, và mong rằng sẽ nhận được các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Bộ quy chuẩn phù hợp với nhu cầu thực tế trước khi được hướng dẫn áp dụng chính thức tại các tỉnh thành vào tháng 5 tới.
Phát biểu tại Tập huấn, bà Yun Doyen, Giám đốc Chương trình và Quan hệ đối tác, IOM Việt Nam, cho biết: “Với việc mở cửa lại biên giới, xu hướng đi lao động nước ngoài của người Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Những thông tin chính thống và đáng tin cậy về di cư an toàn càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, khi các quy định về đi lại và kiểm soát y tế cho người nước ngoài thay đổi thường xuyên và phức tạp do diễn biến của dịch COVID-19. IOM coi trọng cơ hội hợp tác với DOLAB để đẩy mạnh những nỗ lực chung nhằm thúc đẩy di cư an toàn, hợp pháp, và bảo vệ tốt hơn người lao động di cư. Chúng tôi cũng rất mong nhận được những đóng góp và kiến nghị quý báu từ các tỉnh thành nhằm hoàn thiện tài liệu cho phù hợp với nhu cầu tại địa phương, thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi Bộ quy chuẩn.”
Bộ quy chuẩn được kỳ vọng sẽ trở thành cuốn cẩm nang dành cho các cán bộ làm công tác hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các đơn vị trực thuộc cơ quan lao động địa phương. Sau khi hoàn thiện, Bộ quy chuẩn sẽ được gửi tới các Sở LĐ-TB&XH, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cấp tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan để sử dụng trong việc xây dựng và triển khai một cách có hiệu quả kế hoạch truyền thông cộng đồng, nhằm mục đích nâng cao nhận thức cho người lao động, giúp đưa ra những quyết định di cư sáng suốt, lựa chọn con đường di cư lao động quốc tế an toàn, hợp pháp.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ bà Yun Doyen, Giám đốc Chương trình và Quan hệ đối tác, IOM Việt Nam. Email: dyun@iom.int